Tìm hiểu chùa Cầu - địa danh được in trên tờ 20000

Chùa Cầu là một địa điểm mà bất cứ ai khi đến với Hội An đều không thể không ghé đến thăm. Có lẽ một phần vì mọi người muốn được tận mắt chiêm ngưỡng hình ảnh của địa danh được in trang trọng trên tờ tiền 20.000đ, một phần vì chính vẻ đẹp cũng như vị trí đặc biệt của nó.

1. Lịch sử

Cầu Chùa là cây cầu cổ trong khu đô thị cổ ở Hội An, tỉnh Quảng Nam và là 1 trong những cây cầu ở Hội An. Chùa Cầu - giống như tên gọi - là ngôi chùa nằm trên chiếc cầu bắc ngang qua con lạch nhỏ. Được xây dựng vào đầu thế kỷ 17 bởi các thương nhân xứ phù tang, đây là công trình duy nhất có gốc tích từ Nhật Bản trong lịch sử. Cầu Nhật Bản Hội An cũng là tên gọi khác của chùa Cầu.
Cầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17 dựa trên bản vẽ chùa của người Nhật. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm chắn ngang lưng con quái vật Namazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất ở Nhật Bản. Nói thêm về quái vậy Namazu thì đây chính là một thủy quái trong truyền thuyết của Nhật. Con quái thú này có đầu nằm ở Ấn Độ, thân của nó ở Việt Nam, còn đuôi thì chạy tuốt sang Nhật. Vậy nên mỗi lần nó cựa mình thì thảm họa như lũ lụt, động đất... sẽ xảy ra với Nhật Bản.

Năm 1653, người dân xây dựng thêm một phần chùa và nối liền vào phần lan can ở phía Bắc, nhô ra khoảng giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu.

 

2. Kiến trúc

Kiến trúc Chùa Cầu Hội An độc đáo, kiểu thượng gia hạ kiều, nghĩa là trên là nhà dưới là cầu. Chùa và cầu đều được thiết kế bằng gỗ, được sơn son chạm trổ rất chi tiết, rất công phu, đặc biệt mặt chùa quay về phía bờ sông nên mang lại không gian thoáng mát cho du khách tham quan.
Chùa Cầu dài khoảng 18m, rộng khoảng 3m; có kiến trúc pha trộn của 3 nước đó là Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam ta. Cấu trúc cầu theo khi nhìn ngang gồm 3 phần chính là 2 phần đầu cầu và phần thân cầu ở giữa. 
Giữa cầu là lối dẫn vào Chùa. Bên trên lối vào gian thờ có tấm biển gỗ được đề 3 chữ Hán “Lai Viễn Kiều” do năm 1719 chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên. Phía trên cửa, dưới tấm biển có hai mắt cửa, một chi tiết kiến trúc đậm nét tín ngưỡng của người dân Hội An.

Chùa Cầu đã trải qua nhiều lần trùng tu, vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986. Nhiều nét kiến trúc Nhật Bản lúc ban đầu đã dần biến mất. Tuy vậy, chùa Cầu vẫn là một kiến trúc đặc sắc, là di sản quý báu bậc nhất của sự giao thoa kiến trúc độc đáo. Chùa Cầu được coi là biểu tượng kiến trúc của khu phố cổ nói riêng và Hội An nói chung.
Nhìn từ xa, Chùa Cầu ở Hội An nổi bật với đường cong của mái che mềm mại, uyển chuyển, tựa như cầu vồng, làm bừng sáng một góc phố cổ Hội An, cổ kính mà lại hiện đại, trầm mặc mà lại rất nhộn nhịp, đa màu sắc từ văn hóa cho tới kiến trúc và tôn giáo. Chùa được nâng đỡ bởi hệ thống kết cấu gỗ rất bền chắc và khu nền móng được làm bằng vòm trụ đá. Phần chùa ngăn cách với phần cầu bởi một lớp vách gỗ, bộ cửa thượng song hạ bản, mang đến không gian đặc biệt.
Với vẻ đẹp hàng đầu về kiến trúc, vào năm 1990 Chùa Cầu được công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia, là địa điểm tham quan hấp dẫn của Hội An. Có một điều thú vị mà có lẽ nhiều du khách không để ý là hình ảnh của Chùa Cầu được in trên tờ tiền 20.000 đồng loại nhựa polymer của Đất Nước Việt Nam, điều đó đủ để nói lên giá trị to lớn, quan trọng cả về tâm linh lẫn đời thực của ngôi chùa cổ kính này.

 

3. Một số đặc điểm tâm linh của chùa Cầu

3.1 Mắt cửa huyền bí

Đi dọc các con đường trong lòng phố cổ Hội An, bất cứ đâu, từ các công trình kiến trúc đến cái ngôi nhà cổ, mắt cửa luôn hiện hữu và bạn cũng có thể dễ dàng nhìn thấy ngay cổng vào chùa Cầu.
Mắt cửa thường sẽ được làm bằng gỗ, chạm khắc rất công phu, mang nét văn hóa tâm linh từ xa của người dân Phố Hội, thể hiện cho khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tránh được bệnh tật, rủi ro, tránh không cho tà ma xâm phạm vào nhà và tránh mang điềm xấu tới gia đình,...

3.2 Tượng chó & tượng khỉ đá

Theo tâm linh Việt Nam, chó là con vật có khả năng chống lại tà ma mang lại nhiều may mắn cho con người. Người ta có thể trôn tượng chó đá trước cửa hoặc đặt trên bệ thờ giống như các vị thần linh. Còn khỉ là con vật thường được gọi là Linh Hầu hay Thần Hầu, trưng tụng tại chùa chiền nhằm trấn giữ đất đai, chống lại điều xấu xâm hại.
Vì vậy, đặt tượng chó đá và khỉ đá ở chùa Cầu để tỏ ý niệm mong muốn mọi điều suôn sẻ, tốt đẹp và may mắn đến với mọi người.

3.3 Là Chùa... nhưng lại không thờ Phật

Cầu chùa Hội An được gọi là chùa nhưng nơi đây không được thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ – một vị thần bảo hộ xứ sở, đem niềm vui, hạnh phúc đến cho con người. Bởi vậy, hàng năm, không chỉ người dân mà du khách cũng đến đây, họ không chỉ là địa điểm tham quan, khám phá mà còn để tìm chút gì đó thanh thản, bình yên cho những tâm hồn đã quá bộn bề lo toan.

 

4. Vẻ đẹp huyền ảo của chùa Cầu

Thời gian vẫn cứ trôi, bao con người đã đến và đi qua nơi phố cổ Hội An đầy thăng trầm, nhưng Chùa Cầu vẫn uy nghiêm đứng đó, chứng kiến mọi việc. Những lớp bụi thời gian không ngừng phủ lên ngôi chùa, tưởng chừng có lúc công trình này sẽ đi vào quên lãng, nhưng không Chùa Cầu vẫn sẽ mãi đẹp như là  trái tim ấm nóng của Hội An trong tim người dân và bao du khách. Khi đến Hội An bạn đừng quên một lần ghé thăm nơi đây để cảm nhận và hoài niệm về chút gì đó, tĩnh tại giữa dòng đời hối hả.